Viết bởi Bs Bùi Tiến Hùng
Công nghệ mới trong phẫu thuật thay thủy tinh thể
21/03/2013 5:18:38 CH
Đục thủy tinh thể là nguyên nhân gây mù lòa số 1 trên thế giới. Ở Việt Nam hàng chục nghìn người bị mắc mới đục thủy tinh thể mỗi năm.

Các triệu chứng của  đục thủy tinh thể gồm:

1 - Nhìn mờ, mắt người bệnh thường mờ tăng dần kéo dài từ vài tháng tới hàng năm.

2 - Chất lượng thị giác giảm cả trong điều kiện ánh sáng yếu cũng như điều kiện có nhiều ánh sáng.

3 - Thị lực thường không ổn định khi thay đổi điều kiện ánh sáng, thay đổi số kính rất nhanh, thường tăng độ cận thị

4 - Thường xuất hiện ở người cao tuổi, người bị đái tháo đường, người có tiền sử chấn thương mắt, người dùng Corticoid tra mắt kéo dài...

Tuy là một nguyên nhân gây mù số một trên thế giới hiện nay nhưng bệnh đục thủy tinh thể hoàn toàn có thể chữa được. Cùng với sự phát triển nền kinh tế và đặc biệt là những tiến bộ của khoa học y học, cho tới nay việc chữa, mổ thay thủy tinh thể nhân tạo ở Việt Nam đã có những tiến bộ một cách nhanh chóng nhằm nâng cao chất lượng trong điều trị, mang lại sự hài lòng cao cho người bệnh. Cũng như trên thế giới và những nước quanh khu vực, phẫu thuật đục thủy tinh thể đã trải qua 4 giai đoạn phát triển.

Giai đoạn thứ nhất

Phương pháp mổ thủy tinh thể ở giai đoạn này là phương pháp mổ lấy thủy tinh thể trong bao (ICCE), phương pháp này phổ biến ở Việt Nam trong những năm 1980 và phát triển mạnh mẽ tới giữa thập niên 90 của thế kỷ XX. Với phương pháp này vết mổ trên mắt thường dài tới 10mm hoặc hơn để lấy toàn bộ thủy tinh thể bị đục ra và khâu lại bằng 6 đến 8 mũi chỉ sau khi mổ mắt bệnh nhân không có thủy tinh thể, muốn nhìn rõ người bệnh phải đeo một cặp kính hội tụ dày có công suất rất cao (từ +8 Diop tới +13 Diop), phương pháp này các bác sỹ nhãn khoa chỉ định cho những bệnh nhân có thị lực rất kém (thường là đếm ngón tay dưới 1m) nhưng đã là một cuộc giải phóng mù lòa cho hàng trăm ngàn người già trên toàn quốc.

Giai đoạn thứ hai (từ giữa những năm 90 của thế kỷ trước tới 5 đến 6 năm đầu tiên của thế kỷ XXI).

Phương pháp mổ thủy tinh thể ở giai đoạn này là phương pháp mổ lấy thủy tinh thể ngoài bao (ECCE) kết hợp đặt thủy tinh thể, đa phần là thủy tinh thể cứng với chất liệu PMMA. Phương pháp này bác sỹ nhãn khoa mở bao trước thủy tinh thể và lấy toàn bộ thủy tinh thể bị đục bên trong để sau đó giữ lại vỏ bao trong suốt của thủy tinh thể (đã mở một vòng tròn phía trước có đường kính từ 5,5mm tới 6,5 mm) làm thành một cái túi đựng thuỷ tinh thể nhân tạo. Trong hơn 10 năm tồn tại kỹ thuật này (thậm chí tới bây giờ kỹ thuật này vẫn được áp dụng rất phù hợp và an toàn với một số bệnh nhân và một số vùng) đã có rất nhiều cải tiến, cũng như sự tiến bộ về kỹ thuật cũng như sự phổ biến kính hiển vi phẫu thuật trên khắp các tỉnh thành của Việt Nam, từ chỗ vết mổ đã giảm xuống chỉ còn 6 đến 8mm, có khâu hoặc không cần phải khâu... đã mang lại một cuộc cách mạng thực sự cho những người bị đục thủy tinh thể có thị lực dưới 1/10 được ví như cuộc giải phóng mù lòa ở Việt nam.

Giai đoạn thứ ba (lẻ tẻ xuất hiện ở một số trung tâm của Việt Nam từ giữa những  năm 90 của thế kỷ trước và phát triển mạnh mẽ trên các tỉnh thành của Việt Nam từ những năm cuối của thập niên đầu tiên thế kỷ XXI).

Với kỹ thuật mổ thủy tinh thể có tên Phacoemulsification (mà gọi tắt là Phaco) bằng thiết bị (máy Phaco) tạo ra xung động siêu âm qua vết mổ từ 3,2 mm, 3.0mm, 2,8mm, 2,6mm... Tới bây giờ có những thế hệ máy Phaco đáp ứng tốt với vết mổ chỉ 1,8 tới 2,2mm, thiết bị sẽ đưa xung siêu âm qua đường rạch  đó tán nhuyễn thủy tinh thể sau khi bác sỹ cũng đã xé bao trước thủy tinh thể có đường kính từ 5 tới 6mm. Cùng với những tiến bộ của các hệ thống máy Phaco, các chất liệu làm ra thủy tinh thể mềm có thể nâng cao chất lượng thị giác cho bệnh nhân sau mổ đục thủy tinh thể, còn có những loại thủy tinh thể nhân tạo đáp ứng cho giải pháp chữa loạn thị (thủy tinh thể Toric), thủy tinh thể đáp ứng nhìn tốt mọi khoảng cách (thủy tinh thể đa tiêu cự), bệnh nhân được mổ Phaco thời gian phục hồi nhanh (thường bệnh nhân xuất viện trong ngày) chỉ định mổ cũng được mở rộng thậm chí có thể áp dụng cho những bệnh nhân có thị lực còn tới 6/10 nhưng có nhu cầu nâng cao chất lượng thị giác.

Giai đoạn thứ tư (kỹ thuật mổ đục thủy tinh thể bằng Laser - Femtosecond)

Đây là kỹ thuật Laser- Femtosecon được điều khiển bằng Computer:

- Không cần dùng dao để tạo vết mổ, năng lượång Laser Femtosecond sẽ tạo vết mổ theo chính xác thiết kế các bình diện của phẫu thuật viên, tạo vết mổ kín hơn, khoẻ hơn mau liền hơn, đặc biệt rất ít gây tác dụng loạn thị sau mổ.

- Cùng trong khi mổ thuỷ tinh thể bằng Femtosecond bác sỹ có thể thực hiện các kỹ thuật tạo vết rạch hình cung để điều chỉnh những độ loạn thị từ nhỏ tới trung bình mà hầu như bệnh nhân đục thuỷ tinh thể nào cũng có từ đó chất lượng thị giác sau mổ cũng được đáp ứng.

- Việc xé bao trước không dùng tay do vậy sẽ rất tròn, cân đối đây là vấn đề rất quan trọng làm cho bệnh nhân có thị lực rất ổn định sau mổ.

- Femtosecond chẻ thủy tinh thể chính xác giúp cho giai đoạn Phaco rất thuận tiện, theo các nghiên cứu từ Mỹ, châu Âu với kỹ thuật Femtosecond thì khi làm Phaco trung binh sẽ giảm 50% năng lượng sóng siêu âm trong mắt làm cho cuộc mổ an toàn và chính xác cao.

Với bệnh nhân Femtosecond thị lực bệnh nhân phục hồi nhanh, cao, ổn định sau mổ và đặc biệt đã mang đến chất lượng tốt nhất về thị giác cho người bệnh, bác sỹ có thể tự tin chỉ định kể cả cho những bệnh nhân lão thị cao khi đọc sách không muốën dùng kính đeo nữa.

Hệ thống bệnh viện chuyên khoa mắt Hitec Hà nội đã triển khai thiết bị Laser -Femtosecond trong mổ đục thuỷ tinh thể đầu tiên trên toàn quốc trong một tháng đầu tiên đã thực hiện thành công trên 52 mắt bị đục thuỷ tinh thể dưới sự giám sát chặt chẽ của các chuyên gia tới từ Australia, Singapore bệnh nhân sau mổ đạt được kết quả như mong muốn của công nghệ mới này. Bác sỹ và kỹ thuật viên của bệnh viện đã chủ động vận hành, làm chủ thiết bị và công nghệ mới, bên cạnh đó bác sỹ trực tiếp mổ đã được tiếp nhận tham gia hội chẩn, thảo luận trực tuyến toàn cầu trên một diễn đàn chuyên biệt của các bác sỹ đang trực tiếp mổ thuỷ tinh thể với công nghệ Laser Femtosecond. Hy vọng trong một tương lai không xa cùng với những tiến bộ của các nước trên thế giới, tại Việt Nam giai đoạn thứ tư của phẫu thuật thuỷ tinh thể sẽ được áp dụng rộng rãi trên các tỉnh, thành phố.


_______________

(*) Tác giả bài viết này là một phẫu thuật viên được trải qua 4 giai đoạn của phẫu thuật thủy tinh thể, hiện đang trực tiếp tham gia mổ theo công nghệ Phaco - Femtosecond mới này, các thông tin của bài viết này được tham khảo từ các đồng nghiệp trong nước, chuyên gia tới từ Australia, Singapore.

Bùi Tiến Hùng(*)
Bác sỹ chuyên khoa cấp II